Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn điện. Huyện Năm Căn là 1 trong 4 đơn vị cấp huyện, thành phố không xảy ra tai nạn điện. Đạt kết quả đó là nhờ các ngành, các cấp của huyện Năm Căn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức cũng như kiến thức cơ bản về sử dụng điện an toàn, nhất là tại các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Từ đó, việc chấp hành nghiêm theo quy định về an toàn trong sử dụng điện của người dân từng bước được nâng lên.
Ông Lê Việt Hồng, ấp Tư, xã Hiệp Tùng, là một trong những hộ nuôi tôm công nghiệp có quy mô tương đối lớn tại xã Hiệp Tùng, cho biết: “Trong nuôi tôm, trước mắt bản thân mình phải thực hiện nghiêm an toàn về điện chứ không phải đợi khi các ngành nhắc nhở mới thực hiện. Gia đình tôi thường xuyên nhắc nhở anh em làm công không được tuỳ tiện sửa hoặc có những tác động nào liên quan đến điện. Có vấn đề gì tự tôi sửa chữa và khi sửa phải tắt cầu dao, nếu trục trặc ngoài hiểu biết của tôi thì tôi liên hệ ngành điện giúp đỡ”.
Chị Trần Thị Kim Duy, ấp Tư, xã Hiệp Tùng, chia sẻ: “Đối với đường điện tại các ao nuôi tôm công nghiệp của gia đình thì chồng tôi rất kỹ. Thường xuyên nhắc nhở anh em làm cùng kiểm tra điện, các thiệt bị điện thường xuyên để đảm bảo an toàn cho khu vực nuôi và tính mạng con người”.
Ngoài tuyên truyền, các ngành, các cấp của huyện Năm Căn thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn, khắc phục và xử lý các trường hợp sử dụng điện mất an toàn của người dân. Nhìn chung, qua các đợt kiểm tra thực tế tại các đầm nuôi tôm trên địa bàn, phần lớn người dân chấp hành đúng quy định pháp luật về hoạt động điện lực, phòng ngừa vi phạm pháp luật và sử dụng điện an toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm các quy định an toàn cần thiết, như tại những mấu nối đường điện chưa có băng keo dán an toàn, độ cao dây dẫn điện chưa đạt yêu cầu, dây dẫn điện còn kéo chằng chịt, trụ dẫn trong khu nuôi tôm bị mục không có sứ cách điện. Đây được xem là những lỗi chủ quan thường gặp của những hộ nuôi tôm công nghiệp. Trong khi đó, theo đánh giá của ngành chức năng, đa số các vụ tai nạn điện xảy ra là do người dân bất cẩn và chủ quan trong việc sử dụng điện, nhất là khi trời mưa, nước tiếp xúc dễ bị điện giật.
Ông Trần Hoàng Anh, công chức xã Hiệp Tùng, cho biết: “Hàng năm xã có 2 cuộc kiểm tra định kỳ đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp và hộ dân. Đồng thời, khi tổ chức các cuộc họp cũng lồng ghép tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, thường xuyên phối hợp với các ngành kiểm tra những hộ nuôi tôm công nghiệp để đảm bảo an toàn cho bà con Nhân dân”.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương, khuyến cáo: “Nuôi tôm công nghiệp sau điện kế, thứ nhất phải kéo điện đủ 2 dây, nóng và nguội; thứ hai là kéo dây dẫn phải đảm bảo chiều cao về độ võng thấp nhất 2,5 m, dây dẫn phải được mắc trên sứ cách điện, mô-tơ điện phải có vỏ an toàn và phải có cầu dao chống giật...”.
Hiện đang vào cao điểm mùa mưa bão, người dân trên địa bàn, nhất là những hộ nuôi tôm công nghiệp, cần nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn về điện. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dây điện, các trụ điện phải đảm bảo cao ráo, chắc chắn, khi lắp đặt mô-tơ điện cần sử dụng dây nối đất an toàn để giảm nguy hiểm khi có sự cố về điện xảy ra. Cần bảo quản tốt, che chắn kỹ mô-tơ điện, vị trí đặt máy ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước. Cầu dao ngắt điện, công tắc, ổ cắm phải được lắp đặt nơi an toàn, vị trí thuận lợi để khi xảy ra tai nạn có thể xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
Nguồn: Báo Cà Mau