1. Nguyên nhân tiềm ẩn khiến tôm rớt đáy
Tôm rớt đáy có thể xảy ra do một hoặc nhiều yếu tố kết hợp, trong đó có thể kể đến:
- Biến động môi trường: pH, độ kiềm, nhiệt độ, hàm lượng oxy hòa tan trong ao dao động bất thường, đặc biệt sau mưa lớn hoặc thay nước nhiều, có thể gây stress cho tôm và dẫn đến rớt đáy.
- Đáy ao xấu, nhiều khí độc: ao nuôi tích tụ nhiều chất hữu cơ từ phân tôm, thức ăn dư, xác tảo chết… sinh khí độc như H2S, NH3 gây ngộ độc mãn tính cho tôm, khiến tôm yếu và chết lặng lẽ ở đáy ao.
- Thiếu khoáng chất và dinh dưỡng: môi trường nước nghèo khoáng hoặc khẩu phần ăn không đầy đủ các chất cần thiết có thể khiến tôm yếu, chậm lớn, khó lột xác, dễ mẫn cảm với các điều kiện bất lợi.
- Mật độ nuôi quá cao: tôm cạnh tranh không gian sống, thiếu oxy tầng đáy, tăng áp lực môi trường, từ đó dễ xảy ra hiện tượng chết đáy từng đợt.
- Mầm bệnh tiềm ẩn chưa biểu hiện lâm sàng: có thể tôm đã nhiễm EHP, MBV hoặc vi khuẩn Vibrio nhưng chưa phát bệnh ra ngoài, chỉ chết lai rai dưới đáy.
2. Giải pháp xử lý và phòng ngừa
Để kiểm soát hiện tượng này, người nuôi cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
- Kiểm tra môi trường định kỳ: Cần theo dõi và ghi chép thường xuyên các chỉ số nước ao như pH, độ kiềm, nhiệt độ, DO, khí độc đáy. Nếu phát hiện pH giảm nhanh, DO thấp, cần xử lý ngay bằng cách tăng quạt nước, bổ sung oxy đáy hoặc thay nước có kiểm soát.
- Cải thiện chất lượng đáy ao: Định kỳ sử dụng vi sinh xử lý đáy chứa các dòng Bacillus giúp phân hủy nhanh chất hữu cơ lắng tụ. Kết hợp rải vôi CaCO₃ hoặc zeolite quanh ao sau mưa để trung hòa pH và hấp thu khí độc. Tránh đánh vi sinh – hóa chất trùng thời điểm.
- Bổ sung khoáng chất và dinh dưỡng cho tôm: Tăng cường khoáng (Ca, Mg, K) và các vitamin nhóm B, C, E vào khẩu phần ăn giúp tôm phục hồi nhanh sau stress, hỗ trợ quá trình lột xác và nâng sức đề kháng. Có thể trộn men tiêu hóa để tăng khả năng hấp thu.
- Điều chỉnh mật độ và lượng thức ăn: Nếu phát hiện tôm yếu, rớt đáy rải rác, nên giảm lượng thức ăn 20–30% trong 1–2 ngày để giảm áp lực môi trường và tránh dư thừa gây thối đáy. Trường hợp mật độ quá cao, cần xem xét sang thưa ao hoặc sớm thu tỉa.
- Giám sát sức khỏe tôm thường xuyên: Nên kiểm tra mẫu tôm định kỳ 7–10 ngày/lần, đặc biệt ở giai đoạn sau 30 ngày tuổi. Quan sát kỹ ruột, gan tụy, biểu hiện bất thường và có thể tiến hành test nhanh PCR nếu nghi ngờ bệnh âm ỉ.
3. Kết luận
- Hiện tượng tôm rớt đáy không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu cảnh báo sớm về sự mất cân bằng trong môi trường ao hoặc sức khỏe tổng thể của tôm. Người nuôi cần chủ động phòng ngừa bằng cách duy trì các yếu tố môi trường ổn định, đáy ao sạch, khẩu phần dinh dưỡng hợp lý và kiểm soát chặt sức khỏe tôm qua từng giai đoạn.
- Nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng cách, tôm có thể phục hồi nhanh, tránh hao hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định đến cuối vụ.
- Tôm giống gia hoá Siêu Việt đồng hành cùng bà con từ khâu cải tạo ao đến lúc thu hoạch, cung cấp nguồn giống khỏe – sạch bệnh – thuần kỹ.
Nguồn: Người nuôi tôm