Sóc Trăng: Triển khai nhiều giải pháp để vụ nuôi tôm thành công

2023 là một năm đặc biệt khó khăn, thế nhưng, ngành tôm Sóc Trăng vẫn đạt được mức tăng trưởng ổn định cả về diện tích thả nuôi và sản lượng. Để tiếp đà thắng lợi, ngay từ đầu năm 2024, ngành chức năng đã đề ra những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chuẩn bị tốt

Tôm nước lợ đóng vai trò và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Vượt qua rất nhiều trở ngại, năm 2023, ngành tôm Sóc Trăng tiếp tục vượt khó thành công khi vẫn đạt được mức tăng trưởng ổn định cả về diện tích thả nuôi và sản lượng. Theo đó, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng đạt 53.511 ha, vượt gần 5% so kế hoạch thả nuôi và thấp hơn 1,76% so cùng kỳ năm 2022, trong đó tôm thẻ chân trắng 40.071 ha (chiếm gần 75%) và tôm sú 13.440 ha (chiếm trên 25% diện tích thả nuôi). Diện tích tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94% tổng diện tích nuôi. Sản lượng tôm nuôi đến cuối năm 2023 đạt 206.700 tấn, tăng 7,42% so năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt 905 triệu USD, chiếm 95,62% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Năm 2023, sản lượng tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 206.334 tấn, tăng 7,42% so cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Xuân Trường

Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi của năm 2024, vừa qua, Sở NN&PTNT Sóc Trăng xây dựng Thông báo số 2 ngày 3/1/2024 về Lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024. Cụ thể, vụ sản xuất tôm nước lợ năm 2024 sẽ bắt đầu thả giống từ ngày 10/1/2024 và dự kiến kết thúc vào ngày 30/9/2024; Đối với tôm thẻ chân trắng: Từ ngày 10/1/2024 đến ngày 30/9/2024; Đối với tôm sú: Từ ngày 15/3/2024 đến ngày 30/9/2024; Đối với mô hình tôm – lúa: Phải bố trí thả nuôi tôm và thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để kịp chuẩn bị cho vụ lúa.

Bên cạnh đó, ngành chức năng khuyến cáo, đối với các vùng nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi, không chủ động được nguồn nước thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt (dự báo tháng 3 thời tiết nắng nóng và độ mặn cao và tháng 6 – 7 thời tiết mưa dầm), để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng và các yếu tố môi trường bất lợi.

Quan tâm chất lượng giống

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, thế nhưng, hiện ngành tôm tỉnh Sóc Trăng cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đáng quan tâm nhất là chất lượng tôm giống. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của vụ nuôi.

Hàng năm, nhu cầu tôm giống phục vụ người nuôi tôm tại Sóc Trăng ước hơn 20,6 tỷ con. Qua rà soát, thống kê, tỉnh Sóc Trăng có 73 cơ sở giống; trong đó, có 58 cơ sở giống tôm nước lợ còn đang hoạt động, có 3 công ty hoạt động dưới hình thức sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, 55 cơ sở còn lại hoạt động dưới hình thức thuần dưỡng, hạ độ mặn và hoạt động dưới hình thức làm điểm giao dịch. Công suất ương dưỡng giống tôm nước lợ trong năm 2023 là 1 tỷ con, số lượng này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu và phần lớn nguồn giống vẫn nhập từ ngoài tỉnh.

Do đó, để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, ngay từ đầu năm nay, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đã đề nghị các đơn vị liên quan thường xuyên hướng dẫn và tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống việc chấp hành quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh và chất lượng giống thủy sản; kiểm tra, giám sát về chất lượng giống thủy sản. Đối với Hiệp hội tôm của tỉnh cần thực hiện tốt việc liên kết, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi tôm, đại diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên… 

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần phải tiếp tục kết nối giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng để có mối quan hệ, dễ dàng kiểm soát tốt hơn con giống… Người nuôi cần lựa chọn nơi cung cấp tôm giống có uy tín và giới thiệu công nghệ nuôi tôm của một số nước trên thế giới.

Song song đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền về hình thức, nội dung và phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nuôi kịp thời, hiệu quả. Thực hiện công tác xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình nuôi mới, các giải pháp, công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Nguồn: thuysanvietnam

Bài viết liên quan

25/03/24
Xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm: Thị trường Trung Quốc và Mỹ thể hiện “sức hút”

Xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt 415 triệu USD, tăng 24% so với ...

18/03/24
Tăng tốc chuẩn bị, đếm ngược chờ ngày bắt đầu VietShrimp 2024

Chỉ còn rất ít ngày nữa, Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm ...

06/03/24
Yêu cầu kỹ thuật trong nuôi tôm nước ngọt

Nuôi tôm trong ao nước ngọt là mô hình đã được triển khai trong vài ...

06/03/24
Chuẩn bị tốt các điều kiện trước khi thả tôm

Chuẩn bị vật tư Các vật tư trang thiết bị sau một vụ nuôi kéo ...

12/03/24
Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú cải tiến đem đến thành công cho các hộ nuôi

Hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp đang được áp ...

06/03/24
Ngành tôm phấn đấu đạt 4,3 tỷ USD trong năm 2024

Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu ...

05/03/24
Tăng cường phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi nước lợ

Trong những năm qua, dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ diễn biến phức tạp ...

04/08/22
KÍCH THÍCH MIỄN DỊCH LÀ HY VỌNG ĐỂ DẬP BỆNH VIRUS

Kích thích miễn dịch là chiến lược phòng chống dịch bệnh bền vững trong ...

29/10/21
Ngành tôm ngày trở lại

Lứa tôm chưa thu hoạch sẽ là lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong chặng đua ...