Giá tôm sẽ không còn giảm

STO - Trong khoảng 10 ngày đầu tháng 6, giá tôm ở tất cả các kích cỡ đều đồng loạt giảm mạnh, thậm chí có người nuôi trúng cũng không có lời. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá tôm bắt đầu tăng nhẹ trở lại và theo dự báo của các doanh nghiệp, giá tôm chẳng những không giảm thêm, mà nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trở lại từ đầu quý IV-2019, nhất là tôm thẻ cỡ lớn.

Không nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp, ngày từ đầu tháng 6, giá tôm ở ĐBSCL bắt đầu giảm mạnh. Vào thời điểm 10 ngày đầu tháng 6, giá tôm thẻ loại 100 con/kg ở khu vực ĐBSCL chỉ dao động quanh mức từ 72.000 đồng đến 75.000 đồng/kg, kéo theo giá tôm cỡ lớn cùng giảm. Hôm 6-6, gặp chúng tôi, ông Ngô Công Luận – Giám đốc HTX Nông ngư 14/10, Hòa Nhờ A (Mỹ Xuyên) than: “Tôi mới bán ao tôm size 70 con/kg kiểm đạt kháng sinh, nhưng chỉ được giá 85.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá tôm như vừa qua, người nuôi rất khó có lời và trong thời gian tới, nếu giá tôm không tăng, người nuôi tôm sẽ khó có thể duy trì nghề nuôi”.

Những mô hình nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao sẽ có lợi nhuận cao hơn nhờ nuôi được tôm kích cỡ lớn. 

Nguyên nhân giá tôm giảm theo các doanh nghiệp chủ yếu là do các nhà nhập khẩu dự báo sản lượng tôm năm nay sẽ tăng. Mặt khác, khi bước vào tháng 6, cả Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch nên họ chưa vội mua vào mà chờ vào cao điểm thu hoạch mới mua vào để ép giá thêm. Tuy nhiên, sau ngày 10-6, khi nhận thấy sản lượng tôm không nhiều như dự kiến, các nhà nhập khẩu bắt đầu nâng mức giá mua lên và mạnh dạn ký kết hợp đồng nhập khẩu với số lượng lớn. Đây cũng chính là lý do giúp giá tôm khu vực ĐBSCL tăng nhẹ trở lại ở tất cả các kích cỡ kể từ ngày 11-6 đến nay.

Hiện tại, giá tôm thẻ loại 100 con/kg không nhiễm kháng sinh và có màu sắc đẹp được doanh nghiệp thu mua với giá 80.000 đồng/kg, còn tôm thẻ cỡ lớn loại 21 con/kg giá 185.000 đồng/kg. Giải thích về biến động giá tôm thời gian qua, ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Trong 10 ngày đầu tháng 6, giá tôm gần như xuống đáy. Ngoài yếu tố thị trường còn có một phần do các doanh nghiệp chưa có nhiều đơn hàng, thiếu hụt lao động, nên không thể tăng sản lượng mua vào được. Tuy nhiên, từ ngày 11-6, giá tôm đã tăng từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Theo tôi, giá tôm khả năng sẽ không còn xuống nữa do các nhà máy đã ký kết được đơn hàng, sản lượng tôm không nhiều như dự kiến của nhà nhập khẩu và các nhà máy hiện cũng đang tranh thủ thu mua, chế biến để dự phòng giá tôm tăng mạnh trở lại sau khi mùa vụ kết thúc”.

Giá tôm sú cỡ 30 con/kg vẫn ổn định ở mức cao, bất chấp những biến động từ giá tôm thẻ. 

Cùng nhận định như ông Phục, các doanh nghiệp chế biến tôm khu vực ĐBSCL cũng cho rằng, giá tôm nhiều khả năng không còn giảm nữa nhưng cũng khó tăng mạnh từ nay cho đến đầu quý IV-2019. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhận định: “Khoảng đầu quý IV-2019, khả năng giá tôm khu vực ĐBSCL mới hồi phục trở lại, vì thời điểm này về cơ bản đã kết thúc vụ tôm chính, trong khi nhu cầu thu mua nguyên liệu từ các nhà máy chế biến lại tăng nhằm đáp ứng cho các đơn hàng cuối năm. Tuy nhiên, giá tôm hồi phục đến đâu còn tùy thuộc vào thị trường”. Theo tính toán, với giá tôm hiện nay nếu nuôi trúng, người nuôi vẫn có lãi khoảng 20% - 30% và nếu nuôi đạt size cỡ lớn, mức lãi còn cao hơn nữa, với điều kiện tôm nuôi không nhiễm kháng sinh, màu sắc đẹp. Riêng thị trường tôm sú cỡ lớn 30 con/kg hiện vẫn giữ được giá tốt”.

Việc giá tôm tăng trở lại dù chưa nhiều nhưng cũng là tín hiệu lạc quan, giúp người nuôi tôm an tâm sản xuất. Tuy nhiên, những dự báo về giá tôm thẻ cỡ lớn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới thật sự là một bất ngờ, bởi ngay từ đầu vụ cả doanh nghiệp trong nước và các nhà nhập khẩu đều dự báo, tôm thẻ cỡ lớn của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với tôm của Ấn Độ. Giải thích về điều này, ông Phục cho biết: “Hiện nay, tôm thẻ size lớn dễ bán hơn, giá cao hơn, nên người nuôi có lời nhiều hơn. Nguyên nhân chính là do Ấn Độ năm nay nuôi không thành công như dự kiến ban đầu khiến nguồn cung tôm thẻ cỡ lớn mất cân đối. Trong khi đó, Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đang nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ cao rất thành công, đặc biệt là tôm thẻ cỡ 20 – 30 con/kg hiện rất ít người nuôi được”.

Tích Chu

Bài viết liên quan

02/08/24
Nâng cao chất lượng tôm giống cần sự hợp lực từ nhiều phía

Nhu cầu rất lớn Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thủy sản, năm 2023, cả ...

10/06/24
Hiểu đúng về tôm sú gia hóa và tôm sú Moana

Tổng quan về con tôm sú Tôm sú, tên khoa học là Penaeus monodon, là một loại ...

03/05/24
Mô hình 'thuận thiên' tôm - lúa mang lại sự trù phú cho cánh đồng phèn - mặn

Trước đây, khi nhắc đến đồng Chó Ngáp là nhắc đến cảnh nghèo nàn, lạc ...

02/05/24
Nỗi lo vụ tôm mới

Vấn nạn tôm “lậu” chưa dứt Tôm nhập lậu, kém chất lượng vẫn ...

25/03/24
Xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm: Thị trường Trung Quốc và Mỹ thể hiện “sức hút”

Xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt 415 triệu USD, tăng 24% so với ...

18/03/24
Tăng tốc chuẩn bị, đếm ngược chờ ngày bắt đầu VietShrimp 2024

Chỉ còn rất ít ngày nữa, Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm ...

13/03/24
Sóc Trăng: Triển khai nhiều giải pháp để vụ nuôi tôm thành công

2023 là một năm đặc biệt khó khăn, thế nhưng, ngành tôm Sóc Trăng vẫn đạt ...

13/05/24
Yêu cầu kỹ thuật trong nuôi tôm nước ngọt

Nuôi tôm trong ao nước ngọt là mô hình đã được triển khai trong vài ...

06/03/24
Chuẩn bị tốt các điều kiện trước khi thả tôm

Chuẩn bị vật tư Các vật tư trang thiết bị sau một vụ nuôi kéo ...

12/03/24
Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú cải tiến đem đến thành công cho các hộ nuôi

Hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp đang được áp ...