Nghề nuôi tôm chuẩn bị đón cơ hội ngay sau dịch

Sau khoảng thời gian giảm mạnh do dịch COVID-19, giá tôm đang dần phục hồi. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nghề nuôi tôm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi các “đối thủ” như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan đều đang gặp khó do dịch bệnh tại các nước này vẫn còn diễn biến phức tạp.

GIÁ TÔM PHỤC HỒI

Ông Nguyễn Trần Tình (ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) người đang nuôi 2ha tôm các loại cho biết, sau nhiều tháng giảm sâu, từ đầu tháng 4 đến nay, giá loại thủy sản này đã tăng trở lại. “Hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 95.000-100.000 đồng, tăng 15.000-20.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 30 con/kg giá 200.000-230.000 đồng, tăng 30.000-40.000 đồng/kg so với cách đây hơn 3 tháng. Với giá này, nếu kiểm soát được dịch bệnh, sản lượng ổn định thì người nuôi tôm đã bắt đầu có lãi nên tôi và nhiều ngư dân cũng phần nào vơi bớt khó khăn”, ông Tình thông tin.

Theo các chuyên gia, giá tôm phục hồi chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu tôm ở một số thị trường lớn của Việt Nam đều tăng. Như tại Nhật Bản, thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu 19% so với tháng 3, đạt 48,6 triệu USD. Lũy kế 4 tháng năm 2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 180,5 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2019. Tại Mỹ, thị trường nhập khẩu tôm thứ 2 của Việt Nam (sau Nhật Bản), ghi nhận mức tăng trưởng dương 4 tháng liên tục, với tổng kim ngạch 158,7 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do các nhà nhập khẩu Mỹ giảm nhập từ Ấn Độ, Ecuador bởi ảnh hưởng COVID-19.

TẬN DỤNG THỜI CƠ NHƯNG CẦN CẨN TRỌNG

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sản xuất tôm từ các nguồn cung chính trên thế giới gồm: Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều đang gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Việc nuôi tôm ở Ấn Độ cũng gặp khó khăn từ khâu con giống đến vấn đề đầu ra, nhà máy chế biến thiếu công nhân, giá tôm và sản lượng tôm sụt giảm mạnh. Ecuador cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự do COVID-19 khi tâm dịch hoành hành ngay trung tâm sản xuất tôm của nước này. Còn tại Trung Quốc, ngành nuôi tôm đang bị dịch bệnh tấn công, gây thiệt hại không nhỏ. Đây là cơ hội cho tôm của Việt Nam nếu bảo đảm được nguồn cung nguyên liệu. Sản phẩm tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá “dễ chịu” nên nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn vẫn ổn định do đó giá tôm được dự báo sẽ giữ ở mức tốt trong thời gian tới. Trong khi đó, nhờ chống dịch tốt nên các lô hàng tôm xuất khẩu của nước ta cũng sẽ thuận lợi hơn trong khâu kiểm dịch trong thông quan. Đặc biệt, đối với thị trường EU, hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 7 sẽ giúp sản phẩm tôm chỉ chịu mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không thể cạnh tranh được.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 3.000ha ao nuôi tôm, trong đó, có 600ha nuôi công nghiệp. Sau dịch COVID-19, việc thả các vụ tôm mới để tận dụng thời cơ là phù hợp, tuy nhiên, người nuôi tôm vẫn cần cẩn trọng. Theo đó, hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường, biên độ nhiệt trong ngày lớn nên dễ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Ông Thi khuyến cáo: “Do đó, bà con chỉ nên thả nuôi với mật độ vừa phải để tránh xảy ra dịch bệnh, đồng thời, cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, giám sát chất lượng nước, cung cấp thêm khoáng chất trong khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Đặc biệt, người nuôi tôm cần lựa chọn mua giống tôm ở các DN, cơ sở uy tín, không mua giống trôi nổi trên thị trường để tránh dịch bệnh. Về lâu dài, DN, người nuôi tôm cần áp dụng các mô hình nuôi sinh học, theo hướng công nghệ cao để nâng cao năng suất, giảm nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh”.

Theo nhiều ngư dân, sau nhiều tháng khó khăn, giá tôm phục hồi đã khiến bà con phấn khởi. Một số hộ cũng đã bắt tay vào sản xuất các vụ tôm mới. Tuy nhiên, việc thả nuôi các vụ tôm mới đang gặp khó khăn do thiếu vốn. Ông Nguyễn Đức Toàn, ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, sau vụ tôm thua lỗ nặng do dịch COVID-19, ông đang bắt tay vào thả nuôi vụ mới. Tuy nhiên, số tiền vay ngân hàng đang gần đến hạn trả. Nguồn vốn để nuôi vụ mới cũng đang khó khăn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người. Do đó, cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ để người nông dân gặp khó khăn có thể giãn nợ, tiếp cận các nguồn vốn để có thể khôi phục lại sản xuất.

Bài, ảnh: PHÚ XUÂN

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bài viết liên quan

02/08/24
Nâng cao chất lượng tôm giống cần sự hợp lực từ nhiều phía

Nhu cầu rất lớn Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thủy sản, năm 2023, cả ...

10/06/24
Hiểu đúng về tôm sú gia hóa và tôm sú Moana

Tổng quan về con tôm sú Tôm sú, tên khoa học là Penaeus monodon, là một loại ...

03/05/24
Mô hình 'thuận thiên' tôm - lúa mang lại sự trù phú cho cánh đồng phèn - mặn

Trước đây, khi nhắc đến đồng Chó Ngáp là nhắc đến cảnh nghèo nàn, lạc ...

02/05/24
Nỗi lo vụ tôm mới

Vấn nạn tôm “lậu” chưa dứt Tôm nhập lậu, kém chất lượng vẫn ...

25/03/24
Xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm: Thị trường Trung Quốc và Mỹ thể hiện “sức hút”

Xuất khẩu tôm Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt 415 triệu USD, tăng 24% so với ...

18/03/24
Tăng tốc chuẩn bị, đếm ngược chờ ngày bắt đầu VietShrimp 2024

Chỉ còn rất ít ngày nữa, Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm ...

13/03/24
Sóc Trăng: Triển khai nhiều giải pháp để vụ nuôi tôm thành công

2023 là một năm đặc biệt khó khăn, thế nhưng, ngành tôm Sóc Trăng vẫn đạt ...

13/05/24
Yêu cầu kỹ thuật trong nuôi tôm nước ngọt

Nuôi tôm trong ao nước ngọt là mô hình đã được triển khai trong vài ...

06/03/24
Chuẩn bị tốt các điều kiện trước khi thả tôm

Chuẩn bị vật tư Các vật tư trang thiết bị sau một vụ nuôi kéo ...

12/03/24
Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú cải tiến đem đến thành công cho các hộ nuôi

Hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) kết hợp đang được áp ...