Ngày 20/12/2020, Tổng cục Thủy sản ban hành Công văn số 2873/TCTS-NTTS về việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản năm 2020.
Năm nay, hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, sâu trên diện rộng và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản, đặc biệt là các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang. Để ứng phó kịp thời với hạn hán, xâm nhập mặn gây ra nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực cho sản xuất nuôi trồng thủy sản trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố Nam bộ chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập.
2. Chủ động theo dõi thời tiết, thủy sản; cập nhật thông tin diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc môi trường để kịp thời phổ biến, tuyên truyền đến người dân biết, chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp.
3. Nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi, khoanh vùng khả năng thiếu nước, chuẩn bị vật tư, nhiên liệu bơm, trữ nước ngọt bổ sung cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, không tự ý vận hành các cống ngăn mặn làm ảnh hưởng nhiễm mặn cục bộ.
4. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi trồng thủy sản; bám sát dự báo xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi không đảm bảo điều kiện sản xuất; bố trí mùa vụ thả giống và mật độ nuôi cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện, tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương.
5. Áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi ít thay nước phù hợp; chăm sóc và quản lý môi trường nuôi, đặc biệt là quản lý thức ăn, tăng cường sử dụng vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên, giảm chi phí sản xuất nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa.
6. Các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản về một số giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để phổ biến và hướng dẫn người nuôi áp dụng.
Nhiều tỉnh đã có những ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn Ảnh: PTC
Đối với nuôi tôm nước lợ
- Tăng cường quan trắc môi trường, cập nhật thông tin để có giải pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp;
- Có giải pháp tích trữ nước phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương;
- Gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm và trong quá trình nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững, hạn chế mất nước và thay nước khi môi trường nuôi ổn định;
- Phổ biến, hướng dẫn người nuôi lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; thực hiện ương (gièo) giống trước khi thả nuôi thương phẩm; chỉ thả giống khi nhiệt độ dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát); thả nuôi với mật độ hợp lý tùy theo các hình thức nuôi;
- Đối với ao nuôi thâm canh, bán thâm canh: Duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3 - 1,5 m, nếu cần cấp bổ sung nước thì phải lấy nước từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường ôxy và không để thiếu ôxy cục bộ. Duy trì các yếu tố môi trường hợp lý (độ mặn 10 - 25‰; O2 > 3 mg/l; pH: 7,5 - 8,5; Độ kiềm: 80 - 150 mg/l…). Cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm 15 - 30 % lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; định kỳ 15 ngày/lần bổ sung Vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, đồng thời mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ, từ 10 - 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Phạm Thu
Nguồn tin: Con Tôm