Các bệnh tôm chính hiện nay là gì?
Ba dịch bệnh thách thức hàng đầu ở tôm là WSSV (virus hội chứng đốm trắng), AHPND (bệnh hoại tử gan cấp tính) và bệnh vi bào tử trùng (EHP).
Tất cả những dịch bệnh này đều bị làm trầm trọng thêm bởi con người - ngành công nghiệp tôm châu Á cần phải thay đổi tư duy. Điều này bao gồm việc chịu trách nhiệm về sức khỏe và nguồn lợi tôm nuôi.
Các yếu tố sau đây có thể góp phần làm tăng tỷ lệ mắc một số bệnh ở tôm nuôi:
- Quản lý trang trại: phần lớn (khoảng 80%) trang trại nuôi tôm châu Á có quy mô nhỏ, điều đó có nghĩa là ngân sách trang trại bị hạn chế. Ở nhiều địa phương, không có xét nghiệm bệnh bắt buộc đối với tôm khi được đưa ra khỏi trại giống hoặc được thả vào ao.
- Quản lý nước: có rất nhiều hệ thống trang trại đang hoạt động từ hệ thống mở, quảng canh đến hệ thống khép kín, thâm canh. Đối với những trang trại dùng chung nguồn nước (ví dụ sông hồ), những thách thức trong việc duy trì an toàn sinh học là lớn hơn vì tình trạng tốt của tôm nuôi một phần cũng được quyết định bởi mức độ an toàn sinh học được thực hiện bởi những người hàng xóm của trang trại.
- An toàn sinh học: Quy mô của các hệ thống nuôi khiến cho việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học là khó khăn hoặc tốn kém.
- Giám sát sức khỏe: Tỷ lệ giám sát sức khỏe chung của tôm nuôi là thấp. Ở nhiều địa phương không có hoặc có ít hồ sơ theo dõi việc vận chuyển tôm. Cũng không có việc thực hiện tiêu hủy bắt buộc đối với các quần thể tôm nuôi bị bệnh, điều đó có nghĩa là khả năng mầm bệnh tồn tại và lây lan cao hơn.
Ngành nuôi tôm làm thế nào để giải quyết những thách thức này?
Có một số sáng kiến quản lý phòng ngừa đã giúp giảm bớt thách thức của dịch bệnh như:
- Lót ao với các lớp lót polyetylen
- Thiết lập các khu thu gom và loại bỏ chất thải phân, thức ăn thừa, vỏ tôm lột, v.v.
- Quản lý đáy ao tốt hơn thông qua việc sử dụng các khu thu gom nói trên và bằng cách quan sát sự phân phối bùn sau khi thoát nước ao và sau đó sử dụng các thiết bị sục khí để đảm bảo làm sạch đáy ao đúng cách.
- Vệ sinh và bảo dưỡng các lớp lót
- Xử lý nước
- Lắp đặt lưới chống cua và chim săn mồi
- Thả giống với tôm đã được chọn lọc di truyền để có khả năng kháng bệnh cao hơn.
Tuy nhiên, có nhiều việc phải làm như:
- Nhận thức rõ hơn về các tuyến bệnh tôm
- Kiểm tra bệnh trước khi thả và trong suốt các chu kỳ sản xuất
- Tăng cường an toàn sinh học
- Sử dụng thức ăn chức năng bao gồm các thành phần giúp tăng cường sức khỏe đường ruột và sức khỏe tôm nói chung
- Nuôi các dòng tôm kháng mầm bệnh cụ thể
- Thiết lập các trang trại hệ thống khép kín ít bị ô nhiễm và quản lý nước tại chỗ tốt.
Trong bối cảnh các hoạt động nuôi trồng thủy sản toàn cầu tiếp tục được tăng cường, áp lực môi trường lớn hơn đối với các cộng đồng virus và vi khuẩn có thể dẫn đến sự xuất hiện của các chủng bệnh mới với độc lực gia tăng.
Có một số nguyên tắc quan trọng nhằm ứng phó với các dịch bệnh ở tôm nuôi đó là:
- Công nghệ di truyền để nhân giống tôm khỏe hơn và có khả năng kháng bệnh cao hơn.
- Các phương pháp chẩn đoán với độ nhạy tăng lên, đặc biệt là phát hiện mầm bệnh ở mức độ thấp hơn từ đó sẽ phát hiện các giai đoạn nhiễm bệnh ban đầu và chẩn đoán đồng thời nhiều bệnh.
- Cảm biến trong ao - việc sử dụng các phương pháp eDNA để theo dõi sức khỏe của các quần thể tôm nuôi và sử dụng trong việc phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh.
HNN (Theo Thefishsite)
Nguồn tin: Tổng cục Thủy sản
www.tongcucthuysan.gov.vn