Ngoài ra Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của các dao động khí quyển – đại dương như MJO (Medden Julian Oscillation) và đặc biệt là ENSO (El Nino Sounthern Oscillation), sự xuất hiện của các hiện tượng này có tác động mạnh mẽ đến điều kiện khí tượng thủy văn của các nước bị ảnh hưởng trong đó Việt Nam luôn phải chịu nhiều thiệt hại do hiện tượng này gây ra như lũ lụt, hạn hán. Để nắm bắt được quá trình vật lý, nhận định về quy luật xuất hiện, xu thế và tác động của hiện tượng này, tác giả đã sử dụng số liệu dị thường bề mặt biển SSTA, số liệu về gió vĩ hướng của tổ chức Khí tượng Đại dương (NOAA), số liêu về mưa, bão và tần suất front lạnh của Việt Nam để tính toán đưa ra kết quả.
1. Các khái niệm
El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnhđi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.
ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (Được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương).
Thuật ngữ El Nino trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Chúa hài đồng”, cách gọi này được đặt tên cho hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở khu vực biển các nước Peru và Chile đó vào thời kỳ mùa đông có những năm nước biển ở khu vực này ấm lên, mưa nhiều, sinh vật phù du phát triển dẫn đến tôm cá khu vực này xuất hiện nhiều, trái với quy luật tự nhiên, hiện tượng này thường có chu kỳ từ 3 đến 10 năm, và xuất hiện trước ngày lễ Giáng sinh của năm đó, vì vậy mới có thuật ngữ El Nino – Chúa hài đồng.
Ngược lại với hiện tượng El Nino là hiện tượng La Nina, nhiều năm, nước biển khu vực trên trở nên lạnh đi, tôm cá ít hơn mọi năm và thuật ngữ La Nina được dùng để đặt tên cho hiện tượng này.
2. Hoạt động
Hoạt động của El Nino
Dưới áp lực của gió tín phong lên mặt đại dương mà mực nước biển ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương cao hơn phía Đông 30 – 70cm, khi gió tín phong suy yếu dẫn đến lượng nước trồi suy giảm, dòng nước ấm từ vùng bể nóng Tây Thái Bình Dương nhanh chóng dồn về phía Đông làm cho biển khu vực này nóng lên dị thường. Do nhiệt độ bề mặt biển cao, lượng ẩm nhiều, gây mưa lớn cho khu vực phía Đông, lượng sinh vật phù du trong nước biển phát triển mạnh do điều kiện nước ấm kéo theo lượng tôm cá nhiều cho khu vực Peru, Chile. Do sự dịch chuyển của lớp nước ấm bề mặt, dẫn đến lớp nêm nhiệt ở bờ Tây mỏng đi, nhiệt độ bề mặt biển ở đây lạnh đi dị thường dẫn đến ít mưa cho khu vực phía Tây Thái Bình Dương trong pha El Nino.
Hoạt động của La Nina
Khi gió tín phong mạnh lên, áp lực gió lên bề mặt tăng lên, hiện tượng nước trồi sẽ làm nhiệt độ bề mặt biển phía Đông lạnh đi dị thường, dòng chảy hướng Đông, do gió tín phong tạo ra sẽ đưa lượng nước ấm bề mặt dồn về phía Tây, lớp nêm nhiệt ở phía Tây dày lên, hoàn lưu Walker mạnh dần lên, nhiệt độ bề mặt biển cao hình thành dòng thăng ở phía Tây Thái Bình Dương gây mưa cho khu vực này, còn ở phía Đông, nước trồi mạnh làm bề mặt biển lạnh đi dẫn đến ít mưa, lượng sinh vật phù du suy giảm, tôm cá ít đi, tạo ra pha La Nina ngược lại với El Nino.
3. Những tác động của ENSO
ENSO chính là hệ quả của tương tác biển – khí quyển, sự dịch chuyển qua lại của vùng biển ấm và dịch chuyển vùng mưa trong hoàn lưu Walker đều tác động đến điều kiện thời tiết, khí hậu ở các quốc gia bị ảnh hưởng.
Đối với các quốc gia Tây Thái Bình Dương như: Việt Nam, Philipin, Malaixia, Indonexia, Thái Lan, Lào, Australia, vào thời kì El Nino, thường xảy ra các hiện tượng hạn hán, nắng nóng kéo dài do vùng mưa trong hoàn lưu Walker dịch chuyển sang phía Đông Thái Bình Dương, ngược lại vào thời kỳ La Nina, khi vùng nước ấm và vùng mưa dịch chuyển về khu vực phía Tây thường gây ra mưa lớn, và ngập lụt ở các quốc gia trên.
Sự dịch chuyển vùng nước ấm sẽ làm thay đổi tần suất bão ở các trung tâm bão Đông và Tây Thái Bình Dương. Vào thời kỳ El Nino vùng biển phía Đông ấm lên dị thường, tạo điều kiện thuận lợi cho bão hình thành và phát triển, ngược lại El Nino làm cho khu vực biển ở Tây Thái Bình Dương lạnh đi dẫn bão ít xuất hiện hơn so với trung bình năm. Vào thời kỳ La Nina, điều ngược lại xảy ra, khu vực Tây Thái Bình Dương biển ấm lên, tạo điều kiện cho bão hình thành và phát triển, trong những năm có La Nina, bão thường xuất hiện nhiều hơn và có cường độ mạnh hơn, và trong năm La Nina, vùng Đông Thái Bình Dương ít bão hơn các năm không xuất hiện hiện tượng này.
Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm trong khu vực giao tranh của các hệ thống gió mùa và chịu sự tác động mạnh mẽ của sự thay đổi các điều kiện khí quyển, đại dương trong đó có ENSO. Những tác động của ENSO đến điều kiện khí tượng thủy văn gồm:
Tác động đến tần xuất bão và áp thấp nhiệt đới
Trung bình năm Việt Nam có 6.8 cơn bão, trung bình mỗi tháng có 0.57 cơn, trong giai đoạn có 150 tháng có El Nino và trung bình mỗi tháng có 0.39 cơn ít hơn trung bình nhiều năm khoảng 28%. Trong khi đó trung bình mỗi tháng La Nina có 0.84 cơn nhiều hơn trung bình nhiều năm khoảng 38%. Như vậy, trong điều kiện La Nina bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với điều kiện El Nino.
Tác động đến gió mùa mùa đông
Trong các năm có ENSO tần suất front lạnh ảnh hưởng tới Việt Nam có chiều hướng giảm đi so với bình thường. Trong 150 tháng có El Nino số tháng có chuẩn sai tần suất front dương chỉ có 60 ngày, trong đó chuẩn sai âm là 90 ngày. Trong 191 tháng có La Nina, chuẩn sai dương có 44 tháng, chuẩn sai âm là 64 tháng, và 83 tháng chuẩn sai bằng 0.
Tác động đến gió mùa mùa hè
Trong những năm có ENSO, gió mùa mùa hè ở Việt Nam có sự biến động mạnh, đối với những năm có El Nino gió mùa mùa hè có xu hướng đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn, tuy nhiên trong các năm có El Nino đang suy yếu dần thì gió mùa mùa hè có xu hướng đến muộn hơn; trong các năm có La Nina, gió mùa đến muộn hơn và kết thúc cũng muộn hơn so với trung bình toàn giai đoạn 1950 - 2014.
Trong những năm có El Nino mạnh, cường độ gió mùa yếu hơn so với trung bình nhiều năm, năm 1997 – 1998 là năm có El Nino mạnh nhất thể kỷ 20 cường độ gió yếu hơn so với trung bình nhiều năm. Các năm có La Nina, cường độ gió đã số các năm đều manh hơn so với trung bình nhiều năm.
Tác động đến lượng mưa
Khi pha La Nina xảy ra, hoàn lưu walker đưa vùng đối lưu về phía Tây Thái Bình Dương, làm cho khu vực phía Tây mưa nhiều hơn, trong các năm có La Nina Việt Nam có tổng lượng mưa năm thường nhiều hơn so với bình thường, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Trong những năm có El Nino, lượng mưa năm thường thâm hụt lớn, lượng mưa ít gây ra những đợt hạn hán kéo dài ở các khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tác động đến nhiệt độ
Nhiệt độ trung bình trong các tháng có El Nino thường cao hơn bình thường ở tất cả các vùng ở Việt Nam, các đợt El Nino thường gây ra các kỷ lục về nắng nóng, các đợt El Nino mạnh như 1997 – 1998 gây kỷ lục nhiệt độ ở Bắc Trung Bộ lên tới 41.2oC; Bắc Bộ là 39.6oC TrungTrung Bộ là 40.1oC, Nam Bộ là 39.6oC; đợt El Nino 2014 – 2015 kỷ lục nhiệt độ lên tới 41.5oC ở Bắc Trung Bộ.
Ngược lại nhiệt độ trung bình trong các tháng có La Nina nhiệt độ thường thấp hơn, La Nina thường gây ra các kỷ lục về nhiệt độ thấp, các năm có La Nina 1968, 1975 gây nhiệt độ thấp kỷ lục xuông -1.7oC ở Lạng Sơn, năm 1975 nhiệt độ xuống 6.1oC ở Tây Nguyên; năm 1963 khu vực Nam Bộ nhiệt độ xuống 14.3oC.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đức Ngữ và CTV; Tác động của ENSO đến thời tiết, khí hậu, môi trường và kinh tế xã hội ở Việt Nam - Báo cáo tổng kết khoa học đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước. Hà Nội 2002.
2. Pidwirny, M. (2006). El Niño, La Niña, and the Southern Oscillation. Fundamentals of Physical Geography, 2nd Edition. Accessed October 22, 2009.
3. Số liệu chuẩn sai nhiệt độ bề mặt nước biển các tháng trên các vùng NINO thời kỳ 1951 - 2016. Trung tâm dự báo khí hậu quốc gia Hoa Kỳ.
4. Bộ số liệu gió tái phân tích vĩ hướng khu vực Đông Nam Á từ 1950 – 2016 của tổ chức khí tượng đại dương NOAA
5. Bộ số liệu mưa tháng từ 1950 – 2014 ở các trạm trong các vùng khí hậu Việt Nam
Nguồn tin: Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam